Hình thành Bàn_thành_tứ_hữu

Năm 1936, Hàn Mặc Tử thôi làm báo ở Sài Gòn về Quy Nhơn, gặp Yến Lan và Chế Lan Viên.

Theo báo Bình Định thì: "Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên quen nhau khi Chế 16 tuổi và Hàn 24 tuổi. Chế thường mang thơ của mình cho Hàn đọc, góp ý. Có bài thơ mới, Hàn Mặc Tử lại đọc cho Chế Lan Viên nghe. Cũng với sự khuyến khích của Hàn, Chế đã hoàn thành bản thảo tập Điêu tàn và xuất bản năm 1937.[7]

Còn cuộc gặp gỡ giữa Yến Lan và Hàn Mặc Tử thật đặc biệt. Đó là vào một sáng chủ nhật giữa năm 1930, Yến Lan đang ngồi chép lại bài thơ mới làm hôm qua tại chùa Ông (Bình Định) thì Hàn Mặc Tử đưa Nguyễn Công Hoan đến vãn cảnh chùa. Biết Yến Lan có làm thơ, Hàn Mặc Tử mời Yến Lan có dịp vào Quy Nhơn ghé chơi tại nhà ở số 20 Khải Định...

Trong quá trình trao đổi, Hàn Mặc Tử nhận thấy cần phải qui tụ bốn người (kể cả mình) trong một nhóm thơ để cùng học hỏi và thúc đẩy nhau trên đường sáng tạo. Tứ đó, khi hình thành nhóm, Hàn Mặc Tử luôn luôn là người điều hòa và thắt chặt các mối dây bằng hữu.

Lạ một điều là đến khi Hàn mất đi, Quách Tấn mới gặp Yến Lan và Chế Lan Viên, nhưng qua Hàn, tình bạn của họ như đã đậm đà từ lâu.

Trong Hàn Mặc Tử - Hương thơm & mật đắng có đoạn:

"Một người nghiên cứu văn học ở Bình Định đương thời, chơi rất thân với nhóm thơ là Trần Thống (tức Trần Kiên Mỹ) đã hết lời ngợi ca tình bạn đó trong bài nói chuyện Bình Định lắm duyên với thi sĩ. Ông Mỹ đã dùng hình tượng tứ linh để ví với Bàn thành tứ hữu. Trong đó, long là Hàn Mặc Tử, lân là Yến Lan, qui là Quách Tấn và phụng là Chế Lan Viên. Đó là một cách so sánh lý thú và khá phù hợp với tính cách từng người trong nhóm.

Lạ một điều nữa là, tuy "nhóm thơ giao du rất rộng, nhưng không mở rộng nhóm thơ", nghĩa là trước sau chỉ có bốn người..."[8]

Trong ngần ấy năm tồn tại (1936-1945), Bàn thành tứ hữu lần lượt cho ra đời nhiều thi phẩm có giá trị, gây được nhiều tiếng vang, như Thơ Điên, Điêu tàn, Mùa cổ điển, Bến Mi Lăng v.v...Tất cả đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền văn học Việt.